Kiểu nhà ở xã hội ở Việt Nam

Kiến trúc nhà ở tối thiểu là loại hình nhà ở được thiết kế theo sức ảnh hưởng của chủ nghĩa tối thiểu. Đây là loại hình có nhiều điểm khá phù hợp khi áp dụng cho thiết kế Nhà ở xã hội tại Việt Nam. Một lối kiến trúc với không gian riêng, thẩm mỹ riêng và gắn với những điều kiện sống tối thiểu.

KIẾN TRÚC NHÀ Ở TỐI THIỂU LUÔN SONG HÀNH VỚI KIẾN TRÚC NHÀ Ở XÃ HỘI 

Lịch sử phát triển đã từng ghi nhận sự xuất hiện của Chủ nghĩa tối thiểu (Minimalism) và ảnh hưởng của nó tới kiến trúc dẫn đến sự xuất hiện của một dòng Kiến trúc tối thiểu (Minimalist architecture).


Ngôi nhà Unité d’ Habitation do KTS Le Corbusier thiết kế 

Chủ nghĩa tối thiểu (Minimalism) xuất hiện từ những năm 1960 tại Mỹ, được nhắc đến đầu tiên qua một loạt những công trình có bút pháp tinh xảo của Donald Judd, Sol Le Wilt, Robert Morris, Dan Flavin. Kiến trúc tối thiểu (Minimalist Architecture) xuất phát từ những quan niệm về thẩm mỹ và văn hóa, chịu ảnh hưởng một phần từ những tư tưởng thiền trong kiến trúc truyền thống Nhật Bản (ZEN, SHIBUI, MA), kiến trúc truyền thống Địa Trung Hải (Mediterranean Simplicities), Adolf Loos (tiếng nói của những khoảng trống).

Trong khi đó, kiến trúc nhà ở tối thiểu xuất hiện sớm hơn (từ những năm 1920) do nhu cầu ở bức xúc trong xã hội. Ban đầu đó là những ngôi nhà có công năng tối thiểu thô sơ, sau này được hoàn thiện bởi những yếu tố thẩm mỹ từ chủ nghĩa tối thiểu.

Nhìn lại lịch sử, sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tình trạng thiếu hụt nhà ở diễn ra tại nhiều nước châu Âu. Điều kiện sống thấp hơn nhiều so với trước chiến tranh cả ở thành phố và nông thôn, vấn đề xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. KTS Walter Gropius (người Đức gốc Mỹ), KTS Le Corbusier (người Pháp gốc Thụy Sỹ), KTS Vesni và KTS Lomoxop (người Nga) là những người đầu tiên nghiên cứu vấn đề Nhà ở cho cộng đồng, Nhà ở xã hội (nhà ở tình thương, nhà dưỡng lão), Nhà ở kinh tế (ký túc xá sinh viên, nhà ở cho người thu nhập thấp).

Các KTS bắt đầu nghiên cứu những không gian sống tối thiểu nhất cho con người từ những không gian đơn giản như phòng ngủ, khu vệ sinh, bếp… Theo KTS Le Corbusier chiều cao tối đa cho WC, phòng ngủ là 2,25m, còn đối với phòng khách là 3,5m. Vào những năm 1950, ông đã thiết kế khu Nhà ở xã hội lớn ở Marseille (Pháp), trong đó Le Corbusier đã áp dụng những nghiên cứu của mình trên cơ sở Cơ sinh học (Ecgonomi).


Bản vẽ của Le Corbusier minh hoạ một căn hộ 2 tầng với ban công ở 2 phía công trình. (nguồn: Ashui.com)

Năm 1929, tại Stuttgart (Đức) đã khai mạc triển lãm về các căn hộ được xây dựng hàng loạt ở các nước Tây Âu. Tại Frankfurt (Đức), nhà ở tối thiểu đầu tiên với sự quan tâm hàng đầu đến mức sống, với những tiện nghi tối thiểu. Một số nhà ở tại Nga, nhà ở tại Uttert của KTS Riveld (Hà Lan) cũng mang những đặc trưng tương tự như tiết kiệm không gian bằng cách sử dụng những không gian hòa nhập. Trong đó, những không gian tối thiểu nhất như phòng ăn, phòng ngủ, WC, cầu thang và những không gian mở rộng nhằm phát triển đời sống như phòng khách, logia nghỉ… được đề cập rất cụ thể và chi tiết.

Và để giảm giá thành xây dựng, người Đức sản xuất nhà ở bằng cách công nghiệp hóa và xây dựng nhà dưới dạng space block, còn người Nhật Bản thì cho rằng modul của block hợp lý và kinh tế nhất trong nhà ở là 2,7mx2,7mx2,7m (kích thước này cũng rất phù hợp với kích thước của chiếu tatami 0,9mx1,8m truyền thống). Không gian linh hoạt, nội thất đa năng, màu sắc trang nhã, nhưng vẫn có những điểm nhấn cần thiết.

Như vậy, lịch sử xây dựng và phát triển đã chứng minh đây là một xu hướng thiết kế nhà ở đã có từ đầu thế kỷ và vẫn phát triển mạnh mẽ cho đến tận ngày nay. Ngay cả ở những nước công nghiệp rất phát triển như Mỹ, Đức, Pháp hay ở các nước châu Á lân cận như Philippines, Malaysia thì nhà ở tối thiểu vẫn luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của người dân. Bởi sự phân tầng xã hội rất lớn đã hình thành một bộ phân không nhỏ những người có mức thu nhập trung bình và thấp trong xã hội.

ỨNG DỤNG NHÀ Ở TỐI THIỂU CHO NHÀ Ở XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM 

Ở Việt Nam, Chính phủ đã có dự án quốc gia về nhà ở xã hội, và giao cho Bộ xây dựng thực hiện. Sau cơn bão chứng khoán, rồi bất động sản, rồi chung cư cao cấp, rồi quy hoạch chia lô mang nhiều yếu tố kinh tế, hơn lúc nào hết, nhà ở xã hội đang là mối quan tâm hàng đầu. Không chỉ có người nghèo và người thu nhập thấp, ngay cả những cán bộ công chức có thu nhập ổn định ở mức trung bình đều mong muốn sở hữu một không gian sống tối thiểu. Đó là mong muốn chung của toàn xã hội.

Nhà ở tối thiểu có phạm vi ứng dụng rộng rãi và có khả năng giải quyết những vấn đề bức xúc của nhà ở xã hội Việt Nam, bởi nó phù hợp với điều kinh tế và văn hóa sống. Kinh nghiệm nghiên cứu quá trình phát triển nhà ở của người Việt cho thấy, người Việt xuất phát từ một nước nông nghiệp có mức thu nhập thấp, từ xa xưa, khi dựng nhà ở luôn tìm đến những không gian sống tối thiểu trong sự hài hòa với thiên nhiên và môi trường lao động sản xuất. Nhà ở dân gian chính là một ví dụ sinh động nhất.

Chúng ta có thuận lợi khi có thể tham khảo những kinh nghiệm các nước đi trước. Ở Mỹ là “Nhà ở có thể chấp nhận được”, Phần Lan là “Nhà ở để có thể tồn tại được”, Đức là “Nhà ở có mối liên hệ chặt chẽ để đảm bảo mật độ xây dựng”, và ở Hồng Kông lại là “Nhà ở để có thể sống được”. Không có một công thức chung cho những quốc gia khác nhau. Và ngay trong cùng một nước, ở những vùng khác nhau, nhà ở tối thiểu cũng mang những đặc trưng riêng (lúc thì ở dạng kết cấu tối thiểu, nhưng cũng có lúc là mức đầu tư tối thiểu).

  • Ảnh bên: Nhà ở chung cư Nam Long – TPHCM 

Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, kiến trúc nhà ở xã hội là một kiểu kiến trúc riêng, có không gian riêng, có thẩm mỹ riêng, và gắn với những điều kiện sống tối thiểu. Chúng ta không thể thu nhỏ một chung cư bình thường và gắn “mác” nhà ở xã hội vào được. Cần phân loại nhà ở xã hội, tìm ra các đặc trưng, để từ đó có giải pháp kiến trúc phù hợp. Cần có cái nhìn khái quát, phân loại và những nghiên cứu vào cốt lõi của nhà ở xã hội, đó chính là không gian sống tối thiểu, được nghiên cứu trong kiến trúc nhà ở tối thiểu.

MỘT SỐ GỢI Ý CHO VIỆC HÌNH THÀNH NHỮNG KHÔNG GIAN Ở TỐI THIỂU 

Việc xác định quy mô cho những mô hình nhà ở tối thiểu là một bài toán có nhiều tham số, tác động qua lại lẫn nhau. Đây là bước quyết định cho việc lựa chọn giải pháp không gian ở thích hợp nhất đối vừng từng loại nhà ở xã hội cụ thể. Thông thường, quy mô xây dựng nhà ở xã hội thường ở mức tối thiểu, thể hiện ở thông số bố trí buồng phòng, số người sống trong đó, và một số tiêu chuẩn xây dựng có thể được coi là tối thiểu về mặt tiện nghi.

Không gian ở tối thiểu là yếu tố quan trọng nhất. Nó được xác định bởi các quá trình công năng xuất phát trong cuộc sống (chuẩn bị thức ăn, nghỉ ngơi, vệ sinh…) bởi những nhu cầu sinh lý của con người (trao đổi không khí sạch, khả năng được chiếu sáng) và cuối cùng là sự tác động của các đặc điểm kinh tế xã hội.

Nhà ở cho người sống tại vùng ngập lụt, bão lũ hay những nơi có sự tác động mạnh của thiên nhiên cần được nhìn nhận dưới góc độ “nhà ở để có thể tồn tại được”. Sự vững chãi, ổn định của hệ kết cấu cho phép công trình đứng vững hay có thể di chuyển được dễ dàng là yếu tố cần xem xét hàng đầu.

Nhà ở cho người nghèo vùng nông thôn hay vùng núi xa xôi lại cần được nhìn nhận dưới góc độ của yếu tố tối thiểu về mặt năng lượng. Các bộ phận chức năng giữa những không gian ở và không gian sinh lợi được sắp xếp theo một dây chuyền khép kín và ngắn nhất.

Đối với nhà ở cho người nghèo hay những đối tượng ở độc lập có thu nhập thấp trong thời gian ngắn như nhà ở dạng ký túc xá hay nhà ở tình thương cho người già, nhà ở cho bộ đội, người có công với cách mạng không nơi nương tựa lại cần được xem xét dưới góc độ công năng tối thiểu. Trong khi đó nhà ở cao tầng cho người có thu nhập trung bình tại các đô thị lại cần tính đến những yếu tố có tác động về mặt văn hóa và tâm sinh lý tối thiểu khác…

Tuy nhiên, phải nhận thức rõ ràng rằng khái niệm tối thiểu về không gian sống không phải là cố định. Những thiết kế mẫu đầu tiên của Walter Gropius và Le Corbusier chẳng hạn, với các phòng nhỏ, lối đi hẹp, bếp kết hợp khu vệ sinh và hoàn toàn không có các phòng phụ. Giải pháp này phù hợp với thời điểm đó, nhưng hiện nay được coi là không phù hợp cho cuộc sống. Hoàn cảnh lịch sử, sự phát triển của xã hội, phong tục, lối sống của mỗi địa phương là những yếu tố tác động thường xuyên, và làm thay đổi quan niệm về sự tối thiểu.

Như vậy, có thể nói sự phát triển của xã hội sẽ làm biến đổi khái niệm về không gian sống cần thiết của gia đình và nâng cao dần mức độ về yêu cầu tiện nghi. Trong xây dựng nhà ở các nước hiện nay cũng tồn tại xu hướng phát triển sự tiện nghi và xa rời những sơ đồ cứng nhắc, tạo ra cá tính và những nét riêng biệt cho ngôi nhà. Những người sống trong nhà ở tối thiểu còn chịu ảnh hưởng của tâm lý sống, vì thế khi thiết kế những không gian ở tối thiểu cũng nên nghĩ đến việc không chỉ thỏa mãn nhu cầu của con người mà nó còn có ảnh hưởng, tác động lên con người của chính thể môi trường kiến trúc.


BÀN LUẬN – NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC 

Cơ hội:

– Kiến trúc tối thiểu phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở cho toàn dân, quan tâm đến những người có hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn;

– Tạo ra quỹ dự trữ nhà ở nhanh, nhiều. Nhà ở tối thiểu đặc biệt hữu ích trong những trường hợp cần đến nhà ở khẩn cấp, với bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng nhiều và có những diễn biến phức tạp tại Việt Nam.

– Những nghiệp đoàn, các tổ chức xã hội có thể cùng chung tay với nhà nước hỗ trợ người dân xây nhà, từ giảm dần đến xỏa bỏ các khu nhà ở nguy hiểm, nhà bãi rác, nhà ổ chuột.

– Từ trước tới nay, tại Việt Nam người ta vẫn thường nhìn nhận “nhà ở tối thiểu” như một dạng nhà tạm. Trên thực tế, ngay cả những nước rất phát triển, những dạng “nhà ở bình dân”, hay “nhà ở kiểu studio” là những ví dụ sống động về sự tồn tại và thích ứng của nhà ở tối thiểu. Ở theo kiểu tối thiểu không phải là ở tạm thời, lụp xụp, mà đó là cách ở trong điều kiện diện tích nhỏ, và bố trí hợp lý.

Thách thức:

– Xây dựng nhà ở xã hội đặt ra nhiều thách thức từ góc độ quản lý. Nó đòi hỏi sự thận trọng khi đưa ra quyết định lựa chọn các nhà đầu tư. Tuyệt đối tránh những nhà đầu cơ trục lợi, phát triển không bền vững. Bởi đây chính là nguyên nhân hình thành nên những “rác thải đô thị” như những khu ở có mật độ cao, với hạ tầng xã hội không đáp ứng hay tệ nạn xã hội tại các khu ổ chuột.

– Thách thức từ tầm nhìn của các nhà quản lý và đầu tư. Xây dựng nhà ở xã hội không chỉ tối thiểu để đáp ứng nhu cầu hiện tại, mà còn có thể chuyển hóa, biến đổi và thích ứng với sự phát triển của xã hội trong tương lai. Nhà nhỏ, nhưng khi cần thiết có thể hợp gộp, mở rộng, biến đổi linh hoạt thành nhà lớn hơn.

– Thách thức về mặt công nghệ và vật liệu xây dựng. Cần nghiên cứu sâu những phương thức “sản xuất nhà ở”, những vật liệu mới phù hợp với điều kiện sản xuất và môi trường ở Việt Nam: cách nhiệt, thông thoáng, và bảo toàn năng lượng.

Những bài viết khác